VIỆT NAM SẼ ĐÓN “SÓNG” ĐẦU TƯ NGOẠI SAU ĐẠI DỊCH?

16/05/2020Từ Tin văn hoá, Tin nổi bật

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong năm 2020 và là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong nhóm các nước ASEAN 5. Cùng với sự ổn định môi trường đầu tư là những lý do quan trọng thu hút chuỗi giá trị dịch chuyển đến Việt Nam. 

Nhiều dự báo cho thấy sẽ có làn sóng vốn ngoại vào Việt Nam sau dịch

Việc phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh khiến Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư. Họ tìm thấy ở đấy sự đồng thuận của người dân với Chính phủ trong chiến dịch phòng, chống dịch, họ tìm thấy ở Việt Nam có nền chính trị ổn định, có những ký kết hợp tác thương mại tự do đến nhiều thị trường lớn, có bờ biển dài, thuận tiện trong giao thương.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc từ năm 2019 của các tập đoàn công nghệ đã “ngày một rõ rệt” và Việt Nam với yếu tố tích cực chống dịch hiệu quả đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chững lại, xong theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19. Vốn FDI tính đến hết ngày 20/4/2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch –Đầu tưđạt 12,33 tỉ USD, chỉ bằng 84,5% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2018 tăng tới 52,3%, tăng 16,4% cùng kỳ năm 2017 và tăng 79% cùng kỳ 2016.

Trong đó, có 984 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỉ USD, tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư tăng là do trong 4 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới. Điều đó cũng đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn, từ 4,9 triệu USD năm 2019 lên 6,9 triệu USD năm 2020.

Bên cạnh đó, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỉ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư

Tính chung trong 4 tháng qua, khối ngoại đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỉ USD. Thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỉ USD và thứ ba là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 4 thu hút được 665 triệu USD.

Hiện Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 5,07 tỉ USD. Thái Lan đứng thứ hai  với tổng vốn đầu tư 1,46 tỉ USD và Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,16 tỉ USD. Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…

Còn tính theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 265 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 135 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 116 dự án, Singapore đứng thứ tư với 81 dự án…

Dù chưa thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với tinh thần cộng đồng đoàn kết xã hội và chia sẻ trách nhiệm cao nhất đã được chứng nghiệm trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua và những bài học quý giá trong quá khứ, có nhiều cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng cả COVID-19 và cả “virus trì trệ”.